<bgsound src="/Mua Tren Pho Hue (Dan Bau).mp3"/> Le Dinh













Phạm thị Bình An











Saigon, ngày 12-05-2009

Chị Như Bình thương mến,

Không hiểu tại sao mấy tháng nay, em lười biếng viết thư cho chị và anh Ba quá. Ý nghĩ thì có trong đầu, nhưng nó lộn xộn, rối ren, nếu viết thì không biết viết chuyện nào trước, chuyện nào sau và nếu kể hết thì ít nhất cũng 20 trang giấy. Nhiều lần, em định cầm bút để viết cho chị nhưng đành thôi, mãi cho đến hôm nay.



Ba má mình năm nay đã già yếu, nhất là ba. Ba cứ ngày tối thơ thẩn bước ra bước vào, ít nói, ít cười, không như lúc chị còn ở nhà. Thì giờ ba ở sau vườn nhiều hơn là thì giờ ở trong nhà, ba chỉ vào nhà vào lúc 2 bữa cơm thôi. Em và má khuyên ba nên giữ gìn khỏe, đừng lo nghĩ gì hết. Ba nói thà rằng tao như cây cỏ, như cầm thú, thì tao ngồi yên được. Ngày ngày, chứng kiến biết bao cảnh trái tai gai mắt, tao chịu không nổi. Lại còn thêm tháng trước đây có hai người ba quen biết, một người mới 63 tuổi, bỗng nhiên lăn đùng ra chết, còn người kia, 61 tuồi, cũng bất thình lình chết tại cơ quan, khi đang làm việc mà không có một chứng bệnh nào rõ ràng cả. Trước hai cái chết này, ba nói sao mà ba sống dai quá, bọn trẻ mới hơn 60 đã chết, thật tội nghiệp, còn ba, ba muốn chết để khỏi phải thấy những chuyện bất công, làm ba bực tức. Má nói ông buồn phiền, căm tức chỉ khổ ông thôi, chứ có thay đổi được gì đâu. Còn em, em cũng không biết nói sao, nếu chị khuyên được ba, chị viết thư về khuyên giải ba xem sao, chứ phần em, em hết cách rồi. Trong nhà, trước đây, em thấy ba nghe lời chị hơn tất cả những người trong nhà, kể cả má nữa, ba không nghe má bằng nghe chị.



Mỗi năm, đến ngày 30 tháng tư, những năm trước, kẻ chiến thắng rầm rộ tồ chức cái mà gọi là “chiến thắng mùa Xuân” của họ. Hằng năm, từ hơn tháng trước, ôi thôi hoa đèn, cờ xí, biểu ngữ đỏ chói màu máu treo lòng thòng khắp các ngã đường, khắp các khu phố. Trên đại lộ Thống Nhất cũ, xe tăng Liên sô diễn hành rầm rộ, “biểu dương” lực lượng thấy mà sợ. Nhưng năm nay, trái lại, chi Ba biết không, họ không còn tổ chức lớn lao như những năm trước nữa, báo chí cũng êm ru, không viết bài ca ngợi thành tích chiến thắng nữa. Chỉ có lèo tèo vài tờ báo như tờ Saigon Giải Phóng còn đăng vài bài gọi là “Kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” nói về vài nhân vật - mà họ gọi là anh hùng - như Lê Hân, con trai của Lê Duẫn, về Hoàng Xuân Tùy, Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và chuyện tình của y sĩ Nguyễn văn Nghiễn cùng vợ là bác sĩ Ngô thị Thái Nghiêm, cưới nhau 10 năm nhưng chỉ gặp nhau có 5 lần vì chồng phải trở ra trận mạc và chết ở chiến trường. Những chuyện tình kiểu này đâu có nhằm nhò gì so với những chuyện tình đầy nước mắt của chiến sĩ Quân đội VNCH chúng ta.

Ngày 30 tháng tư năm nay sao buồn hiu, có lẽ vì chiến thắng cũng không mới mẻ gì và nói lếu láo, nói dóc tổ hoài coi cũng kỳ, thôi im tiếng là tốt. Ngày trước, 700 cơ quan báo chí nhà nước với hơn 15,000 ký giả, 68 đài phát thanh và đài truyền hình, vào dịp này, tha hồ mà vẽ rồng vẽ rắn, bịa chuyện dối gạt, nói láo để ca tụng bộ đội CS. Nhưng bây giờ thì khác. Với sự thông tin theo kỹ thuật tân tiến ngày nay, báo chí không còn nói láo trắng trợn được nữa, chuyện xảy ra ở một nơi xa xôi nào đó trên thế giới, chỉ 10 phút sau là cả thế giới đều biết, với hình ảnh đầy đủ, báo chí CS không còn tha hồ láo lếu được nữa. Những năm trước, họ còn thao thao bịa đặt, kể chuyện chiến thắng năm xưa, nói rằng hàng trăm ngàn người dân miền Nam đổ xô ra đường đón mừng chiến sĩ “giải phóng”, nhưng sự thật như mọi người đều biết là chỉ có loe ngoe vài chục tên “cách mạng 30” tay cầm cờ Măt trận giải phóng miền Nam, mang băng đỏ, đứng bên lề đường quơ quơ cờ Mặt trận để đón những tên bộ đội từ rừng rú về. Chỉ có một số người Saigon, vì hiếu kỳ nên thập thò, đứng nép ở các gôc cây, bên những cột đèn, lấm la lấm lét nhìn những tên bộ đội hiu hiu tự đắc ngồi trên những chiếc xe tăng, lăm le cây súng AK trên tay, nhưng măt mày xanh mét như thiếu ăn, ngơ ngác nhìn vẻ diễm lệ của thành phố bằng đôi mắt trắng bệch. Đa số người dân Saigon đều đóng cửa im thin thít ở trong nhà, thỉnh thoảng hé cửa sổ nhìn ra ngoài đuờng coi động tịnh ra sao, thế thôi.



Em muốn hỏi chị Ba câu này nhé. Tại sao mà Việt Cộng đi đến đâu là thiên hạ bỏ chạy đến đó vậy? Việt Cộng cũng là người chứ có phải là quỷ ma hay hùm beo gì đâu, mà sao người ta sợ họ như thế? Là người Cộng sản, em nghĩ có lẽ họ cũng phải tự hỏi mình chứ, sao đồng bào sợ mình như vậy? Sao người ta bỏ chạy hết như mình là quỷ Satan hay ma cà rồng vậy, chỉ có điều thiếu vài ba bó tỏi treo lủng lẳng trước cửa nhà đề xua đuổi CS như xua đuổi tà ma bệnh tật nữa, thì mới yên tâm.

Nhớ lại năm 1954, hàng triệu đồng bào miền Bắc phải bỏ cả tài sản, xuống tàu há mồm ở Hải Phòng để vào miền Nam lánh nạn Cộng sản, rồi trường hợp Mùa hè đỏ lửa, vụ Mậu thân, hay những khi Việt Cộng kéo về một vùng nào đó hay một khu phố nào đó, thiên hạ cũng rần rần gồng gánh bỏ chạy về phía Quân đội Việt Nam Cộng hòa để tính mạng đựợc an toàn. Rồi đến ngày mất nước. Nhìn lại những hình ảnh ngày 30 tháng tư, dù đã 34 năm qua, sao em thấy còn hãi hùng. Người ta liều chết để đeo vào cánh phi cơ trực thăng, nhảy đại xuống biển khơi để bơi ra tàu Mỹ và sau đó cũng không kể gì mạng sống, vượt biên bằng những chiếc thuyền nhỏ bé, coi cái chết như con số không. Người Cộng sản nghĩ sao về việc người dân bỏ chạy khi thấy họ? Nếu họ không nghĩ gì hết, thì dù là lớn hay nhỏ, có học hay không có học, dù ở cấp bậc nào đi nữa, họ là nhưng người không có khối óc cho nên họ không biềt suy nghĩ.



Chẳng những người dân miền tự do sợ Cộng sản mà cả những người theo Cộng sản từ lâu mà biết suy nghĩ, cũng biết lánh xa Cộng sản, từ bỏ chủ nghĩa oái oăm để trở về với con đường lương thiện. Chị Ba cũng biêt có bao nhiêu người đã quay lưng lại với Việt cộng, dù họ là những người có chức vụ lớn, có tuổi đảng cao như các ông Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Chí Thiện, Bùi Tín, Dương Thu Hương, Nguyễn Thanh Giang, Vi Đức Hồi, Trần Anh Kim… và rất nhiều những nhà văn, nhà báo có lương tâm khác.

Ông Bùi Tín, nhân ngày 30 tháng tư năm nay có viết một bài nhận định về tháng Tư đen có đoạn như sau:

“Tôi bỏ hết danh vọng hão, chức tước phù du, huân chương mai mỉa, tự hổ thẹn từng cao ngạo vô duyên về chuyện vào dinh Độc lập sớm, xế trưa 30-4, vớ vẩn, lạc điệu, cả cá nhân lầm lạc, ngộ nhận hết.

Để làm gì cơ chứ ? để đất nước ra nông nỗi này ư ? độc lập, không ! tự do, không ! chủ quyền, không ! về mặt nào cũng đứng dưới 100 nước khác !

30 tháng 4 năm nay, tự thâm tâm, tôi chỉ có một lời kêu gọi với các bè bạn và đồng chí cũ của tôi: hãy quý trọng lòng yêu nước thương dân của chính mình, nếu bạn thấy lòng yêu nước ấy đã bị ai đò ''xốy'' mất để dùng vào mục đích đáng nghi ngờ và đen tối, thì hãy lên tiếng tố cáo và tự tách mình khỏi trị lừa bịp và đánh cắp trắng trợn ấy !

Bạn hãy tự phục hồi lòng yêu nước thương dân trọn vẹn của mình để cùng mọi người Việt Nam tỉnh táo và tử tế đấu tranh cho một Tổ quốc Việt Nam thật sự độc lập, thật sự tự do, dựa vững vào Lịch sử Dân tộc và Thời Đại”.

Mới đây, có ông Vũ Minh Trí, một người 21 năm đi bộ đội, có 18 tuổi đảng, 10 năm làm việc ở Tổng Cục II mà dám đường đường chính chính minh danh tố cáo việc làm ngang ngược của Nguyễn Chí Vịnh, xếp của Tổng Cục II. Ông này đã làm những việc phi pháp, không coi ai ra gì, như đem tay chân bộ hạ và gia đình con cháu ông ta vào những chức vụ cao của Tổng Cục. Mà những giây mơ rễ má này có phải là những người có học thì cũng đáng, trái lại hạng người này toàn là những kẻ ít học, những tên du thủ du thực, Nguyễn Chí Vịnh đem vô để củng cố quyền lực của ông ta. Em rất phục ông Vũ Minh Trí này, đang làm việc ở Tổng Cục mà có gan đứng lên tố cáo xếp tối cao của mình. Ông lại còn ghi tên tuổi, địa chỉ đầy đủ là Phòng 1302 - Nhà HH1 - Khu đô thị Yên Hòa, Phường Yên Hòa - Quận Cầu Giấy - Thành phố Hà Nội, và còn không quên ghi cả số điện thọai nữa.



Chị Ba mến, cũng nhân ngày 30 tháng tư năm nay, ôn lại thời gian này 34 năm về trước, người dân miền Nam tự do thường đặt câu hỏi, sự việc tồi tệ ngày nay ở đất nước Việt Nam này, do ai gây ra? Ai là người có tội lớn nhất trong việc làm mất nước này. Một số người, qua những bài báo trên Internet, đều cho rằng sở dĩ miền Nam lọt vào tay CS là vì người bạn Hoa Kỳ chơi đểu, đưa đò ra giữa dòng sông rồi lật úp đò, với sự cộng tác đắc lực của bọn phản chiến ở trong nước và bọn phản chiến người Mỹ ở bên Mỹ, cùng với sự phụ giúp của những người gọi là thành phần thứ ba. Nhưng đa số đều qui tội cho Dương văn Minh, người đem miền Nam dâng cho CS. Người ta không gọi Dương văn Minh là “Tổng thống 40 giờ” nữa mà gọi ông ta là “Hàng tướng Dương văn Minh”. Người xưa mình bảo “Nghĩa tử là nghĩa tận”, chết là hết, nhưng theo em, nhất là ở vào trường hợp đặc biệt của xứ sở mình, “nghĩa tử không là nghĩa tận” mà chúng ta phải tìm hiểu cho cặn kẻ về hành động của một nhân vật nào đó, dù nay không còn nữa, để rút ra những bài học quý báu cho hậu thế. Nếu chết là hết, thì tội ác tày trời của Hồ Chí Minh, người ta bỏ qua hay sao?



Lý do ông Dương văn Minh đầu hàng CS, theo ông ta, là để tránh cho Saigon một cuộc tắm máu. Nhưng sự thật Dương văn Minh ngây thơ cho nên ông ta bị CS gạt vì ông cứ tin tưởng rắng ông đem dâng miền Nam cho CS để đổi lại, ông được một chức vụ cao trong guồng máy lãnh đạo mới, với sự có mặt của ông ta và Mặt trận giải phóng miền Nam cùng với thành phần thứ ba. Nhưng ông ta đã lầm. Thử hỏi, nếu vị Tổng thống 40 giờ của VNCH không đầu hàng, để Saigon bỏ ngỏ và ông ra lệnh rút quân hết về vùng 4 để tiếp tục chiến đấu chống Cộng thi Việt Cộng có dám tắm máu Saigon hay không? Tắm máu sao được khi thành phố đã bỏ ngỏ, không một tiếng súng chống cự, không có bóng một quân nhân VNCH. Có sự hiện diện của đối phương thì địch mới chống trả, chứ không còn người nào cầm súng chống lại chúng thì chúng bắn ai? Còn phần ông, nếu là anh hùng thì ông biết tự xử mình như các tướng Lê văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Phạm văn Phú, Trần văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn, Lê Nguyên Vỹ… để đời đời tên tuổi được sử xanh ghi chép “sinh vi tướng, tử vi thần” - còn nếu không tham sinh úy tử - thì ông theo đoàn quân của ta, rút về vùng 4 sát cánh với anh em đồng đội, tiếp tục chiến đấu.



Theo ông Lữ Giang, Dương văn Minh có rất nhiều tội, nào là tham lam, biển thủ cả thùng phuy vàng và cả thùng phuy bạc toàn giấy 500 đồng, tịch thu của Bảy Viễn. Khi được báo cáo về sự việc tồi tệ này, cố Tổng thổng Ngô Đình Diện nói: “Thôi cho nó số vàng đó đi, cho yên”. Ngoài tính tham lam, Dương văn Minh còn là một tên sát nhân, nhẫn tâm hạ sát những người bạn đồng ngũ của mình như Đại tá Hồ Tấn Quyền, Đại tá Lê Quang Tung, Thiếu tá Lê Quang Triệu và tội nặng nhất của ông ta là ra lệnh cho cận vệ của ông ta là Nguyễn văn Nhung hạ sát Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu, rồi sau đó ông ta còn bày mưu lập kế thành lập tòa án đặc biệt để xử tử luôn ông Ngô Đình Cẩn để gọi là… nhổ cỏ, phải nhổ cho tận gốc.

Ngoài những tội kể trên, Dương văn Minh còn mang tội phản quốc. Đường đường là một vị tướng của Quân lực VNCH mà ông ta chứa chấp Việt Cộng trong dinh ông ta ở số 3, đường Trần Qúy Cáp (Saigon). Người ông ta chứa chấp là em ruột ông ta, tên Dương văn Nhật - tự Mười Tỵ - lúc đó mang cấp bậc Thiếu tá của Bộ đội miền Bắc. Đại tá Nguyễn văn Y đem hồ sơ việc này trình lên Tổng thống, cố Tổng thống Ngô Đình Diệm đưa cái hộp quẹt cho Đại tá Y và nói: “Mỹ mà nó biết được Trung tướng của mình theo Việt Cộng thì xấu hổ lắm. Đốt hết đi. Từ rày tôi không muốn nhắc tới vụ này nữa”. Vậy thì - theo sự hiểu biết và nhận xét của những người thường, như chị, như em, như mọi người - có phải Dương văn Minh là người nặng tôi nhất trong việc làm tiêu tan miền Nam không, ông ta đưa chiếc chìa khóa mở cửa miền Nam cho Việt Cộng vào mà không nghĩ tới những hậu quả vô cùng thảm khốc liền ngay sau thời gian đó và còn kéo dài cho tới ngày hôm nay mà đứa con nít nó cũng biết. Thế mà, trong một lá thư qua lại giữa ông ta và tướng Nguyễn Chánh Thi, ông ta có cho biết rằng ông Đỗ Mậu trách ông không biết tự tử như các bậc tiền bối, và ông trả lời ông Đỗ Mậu rằng, theo ông, “tự tử không phải lúc nào cũng là đúng, mình phải dám sống để hứng nhận những hậu quả do mình gây ra”. Nhưng ông ta nhận những hậu quả gì, có chăng là toàn dân miền Nam tự do lãnh đủ, thế cho ông ta mà thôi và lãnh hoài, cho tới ngày hôm nay cũng chưa hết. Ôi mỉa mai thay, khi ông ta về với quỷ sứ năm 2001, ông ta được nằm trong quan tài bộc nhung, lại còn có phủ lá quốc kỳ VNCH. Trong khi đó, hàng trăm ngàn người, vì hành động hèn hạ của ông, đã phải sống cuộc đời lao tù khổ cực trong các trại tù CS, bao nhiêu người chết không mồ, không mả và hàng triệu người đã phải bỏ xứ ra đi, hàng trăm ngàn người bỏ thây ở đại dương, làm mồi cho cá mập.

Chị Ba ơi, nói chuyện Việt Cộng, nói chuyện mất nước vì những kẻ phản bội thì không biết nói đến bao giờ mới hết. Em không biết chị Ba còn nhớ không, trước năm 1975, ba chúng mình thường hay nói về Kim Cương trong lúc má xem chương trính thọai kịch của cô ta trên Đài Truyền hình hay nghe ban kịch của cô ta trình diễn trên Đái phát thanh Saigon. Nhiều lần ba nói với chúng ta, mặc dù trong giai đọan khó khăn của đất nước, Kim Cương như là người đứng bên lề của cuộc chiến. Trong những vở kịch của cô ta trình diễn mà phần nhiều do cô ta viết với bút danh là Hoàng Dũng, đề tài không ngoài những chuyện ông Hội đồng ỷ giàu có, hà hiếp đồng bào, ông Hương quản cậy quyền hành ức hiếp dân chúng, ông chủ điền bức hiếp tá điền v.v…, toàn là chuyện gây vào lòng dân chúng những sự căm thù giai cấp. Khán thính giả không nghe cô ta dành một chương trình kịch nào để đề cao chiến sĩ ngoài tiền tuyến, không thấy cô ta viết một vở kịch nào ca ngợi người vợ lính xa chồng, ở hậu phương nuôi con cho chồng yên tâm đuổi giặc. (Hình trên: Kim Cương / Ảnh: Minh Chánh)

Cũng trong chiều hướng này, ba có nói tới một số nhạc sĩ sống ở miền Nam, ngay tại thủ đô Saigon, nhưng trong những sáng tác của họ là những lời lẻ phản chiến hoặc ca tụng – một cách trá hình – những tên bộ đội miền Bắc. Ba đem thí dụ nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ với một số nhiều nhạc phẩm của ông ta như Thương quá Việt Nam, Hoa vẫn nở trên đường quê hương, Những ngày xưa thân ái, Trăng tàn trên hè phố v.v… Chị Ba đọc kỹ lại lời ca của những nhạc phẩm này đi, rồi chị sẽ thấy. Nào là “đường năm xưa đi trong bóng tối, đường hôm nay đi trong ánh sáng, đường hôm nay gian nan chiến đấu, đường mai đây vui trong chiến thắng…” và nào là anh ghé đây, em mời anh một tô nước dừa tươi, mẹ mời anh một nồi khoai luộc, rồi mai sớm anh lên đường giết giặc. Các “cụ” kiểm duyệt ở Bộ Thông tin ơi, các cụ có biết rằng các chiến sĩ này từ rừng núi xuống, ghé qua làng và được bà má nuôi đãi một nồi khoai luộc không? Không phải chiến sĩ VNCH đâu, VC nó ranh ma quỷ quyệt lắm. (Hình trên: Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ thời còn trẻ)



Vài năm trước đây, Trung tâm Thúy Nga, vì thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin (?) nên có ý định mời nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, lúc ông ta còn sống, qua Mỹ để vinh danh ông ta trong một chương trình của Paris By Night. Nhưng ông ta từ chối, Trung tâm Thúy Nga không biết tại sao, vì những người khác còn ở VN như Châu Kỳ, Thanh Sơn, Nguyễn Anh 9 đều sốt sắng đáp ứng lời mời của Thúy Nga, riêng chỉ một mình Phạm Thế Mỹ là từ chối. Em nghĩ rằng ông này biết người, biết ta. Như Trịnh Công Sơn trước đây không bao giờ dám đặt chân lên đất Mỹ, Phạm Thế Mỹ cũng vậy, ông biết rằng đồng hương Nam Cali sẽ không vui vẻ đón tiếp ông ta. Cũng may cho Trung tâm Thúy Nga, nếu Thúy Nga thực hiện một chương trình để vinh danh Phạm Thế Mỹ thì chắc chắn rằng DVD này sẽ không bán được ở những nơi nào có đồng bào tỵ nạn CS mà chi có Việt Cộng mua thôi.



Cũng như bài “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn, ai nghe “Từ Bắc vô Nam nối liền cánh tay, ta đi từ đồng hoang vu, vượt hết núi đồi… “ và “Mặt đất bao la anh em ta về, Gặp nhau, mùng như bão cát quay cuồng…” cũng thấy thật sướng tai, nghe đoàn kết quá, thương yêu quá, nhưng nếu hiểu như vậy, thật phiến diện và quá ngây ngô. Thế mà có người lấy bài hát này để làm bài “đoàn ca” trong chiến dịch Sinh viên hải ngọai về thăm đất nước vào năm 1974, để cho các nam nữ sinh viên nắm tay nhau, vừa đi vòng tròn, vừa hát đón mừng sinh viên du học ở ngọai quốc về khi vừa bước xuống phi cơ. Chưa hết, chị Ba có thấy Nguyễn Hữu Thiết và Ngọc Cẩm có hát một bài hát nào ca tụng chiến sĩ VNCH không? Tuyệt nhiên không, mặc dù có cả trăm bài hát đề cao lính chiến, trong giai đọan một mất một còn của đất nuớc. Thế mà cầm cây đàn lên ở sân khấu, hay hát ở Đài phát thanh, chúng ta chỉ nghe nào Trăng rụng xuống cầu, Gạo trắng trăng thanh, Duyên quê… toàn là gì gì đâu đâu không, tuyệt nhiên không có một bài biết ơn chiến sĩ. Không phải là hai vợ chồng ông ta không hát được lọai nhạc này, nhưng đó là điều cấm kỵ đối với ông ta. Và còn rất nhiều nhạc sĩ khác, được yên ổn sống trong lòng miến Nam tự do, đuợc các chiến sĩ VNCH bảo vệ để sáng tác, như Nguyễn Xuân Tân (Bao nhiêu năm qua, dân ta sống không nhà, Bao nhiêu năm qua dân ta chết không nhà / Dậy mà đi), Phạm Trọng Cầu, Bắc Sơn, Miên Đức Thắng, Tôn Thất Lập v.v… đều là những kẻ nối giáo cho giặc, đúng như bài viết “Từ từ lòi ra hết” của tác giả Trần Tư được phổ biến nhiều trên Internet. Thật đúng như vậy, những kẻ ngày trước đâm sau lưng chiến sĩ, sau năm 1975 từ từ thò đuôi ra hết và ngày nay, ở hải ngọai, riêng tại vùng chị ở, chắc chị và anh Ba cũng biết ai thân Cộng, ai là Việt gian, vì từ từ rồi cũng lòi ra hết, đúng như Trần Tư viết.



Từ đầu lá thư, em toàn nói chuyện ngày xưa với chị Ba vì trùng hợp với thời gian này, 34 năm về trước. Bây giờ chúng ta nói chuyện hiện tại. Đông hay Tây gì cũng gặp nhau ở một điểm, “ác giả ác báo” của ta và “Qui sème le vent, récolte la tempête” của Tây. Em không hiểu những kẻ cầm đầu đất nước này nghĩ sao, khi vì quyền lợi cá nhân, họ đành đọan phá nát giang san. Rồi đây dải đất hình chữ S thân yêu này sẽ trở thành hình chữ I vì bị Tàu cộng lần hồi chiếm hết. Nay cắt chỗ này một chút, mai xén chỗ kia một chút, mốt chặt chỗ nọ một mảnh, rốt cuộc hình chữ S thành hình chữ I suôn đuột, ốm nhách. Nhưng nếu còn hình chữ I thì cũng là may, em sợ rằng rồi đây tên Việt Nam không còn trên bản đồ thế giới nữa mà chỉ còn là một thành phố cực Nam của Trung cộng, có tên là “Địa Nam”, “Nam Tạng” hay gì gì đó.

Mà chị Ba ơi, những người đứng đầu nước VN bây giờ, mà người ta thường gọi tên mỗi ngày - không phải để ca tụng mà là để bêu diếu - như Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết là ai vậy? Họ từ đâu đến, từ chỗ nào lên? Trong lịch sử, những nhà cách mạng yêu nước thương nòi, nhưng bậc danh nhân trên thế giới, đều có một tiểu sử đáng kính nể, đều có sách vở, báo chí cho biết họ là ai, trình độ học vấn ra sao, con đường tranh đấu thế nào, gian lao khổ cực bao nhiêu năm v.v… để có địa vị ngày hôm nay. Còn những ông này là ai? Em cũng chỉ nghe nói Nông Đức Mạnh là con rơi con rớt của Hồ Chí Minh, Nguyễn Tấn Dũng, năm 1968, thi vào biên tập viên Cảnh sát quốc gia của VNCH nhưng thi rớt và buồn tình, bỏ ra khu theo VC luôn . Em cũng nghe nói Nguyễn Tấn Dũng là con dòng phụ của Nguyễn Chí Thanh, em chỉ biết có vậy thôi. Như vậy thì, đối với CS, “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa” sao? Còn Nguyễn Minh Triết thì em chưa nghe ai nói tới bao giờ. Tại sao những người đứng đầu một nước mà không có một bài viết nào ghi lại cho dân chúng biết về họ để xem họ có xứng đáng được ngồi vào những chức vụ cao ngất như vậy ngày hôm nay hay không? Họ là ai, nếu là người Việt Nam, sao không thương nước VN, không thương dân VN mà lại đi bợ đít Tàu, cắt đất, cắt biển dâng cho Tàu, cho cả chục ngàn người Tàu vào nhà mình cướp tài sản của mình, để Tàu bảo vệ chiếc ghế của họ. Họ có bệnh họan tâm thần không, hay họ là người Việt gốc Tàu, hoặc họ là người Tàu chính cống, thuộc dòng dõi người Tàu, sinh sống ở VN từ năm ba đời trước? Nếu họ là người bình thường, họ không sợ quả báo sao, họ không sợ gieo gió rồi gặt bão sao?

Buồn quá chị Ba ơi! Em thương anh chị nhiều.



PHẠM THỊ BÌNH AN



Free Web Template Provided by A Free Web Template.com